Tôi đến Quảng Trị đúng ngày khắp nơi trong tỉnh sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng thị xã Đông Hà - nay là thành phố Đông Hà - thủ phủ của tỉnh 28-4 (1972-2017) và kỷ niệm 42 năm Ngày hội thống nhất non sông 30-4 (1975-2017). Trước mặt tôi, dòng sông Thạch Hãn lững lờ, êm đềm trôi, chở trong mình bao nhiêu huyền thoại, linh thiêng...
Nhà báo Hoàng Chí Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Ninh thả hoa đăng tưởng nhớ các liệt sĩ tại sông Thạch Hãn. |
“ĐÊM HOA ĐĂNG” TRI ÂN LIỆT SĨ
Hiếm tỉnh nào như Quảng Trị, theo địa chí của tỉnh, toàn tỉnh có 12 sông lớn nhỏ, thì có tới hai con sông không chỉ nổi tiếng cả nước mà còn nổi tiếng thế giới: Một là sông Bến Hải dài 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy dọc vĩ tuyến 17 là ranh giới giữa hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh từng mang trong mình nỗi đau chia cách đất nước 20 năm, từ 1955 đến 1975. Hai là sông Thạch Hãn gắn liền với Thành cổ Quảng Trị với những trận chiến ác liệt gợi nhớ những đau thương mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.
Về tên gọi Thạch Hãn, có lý giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, tên sông đặt theo đặc điểm này nên mới có tên là Thạch Hãn. Theo Đại Nam nhất thống chí sông Thạch Hãn dài khoảng 170 dặm bao gồm cả đầu nguồn. Sông bắt nguồn từ phía đông dãy Trường Sơn ở phía tây nam của tỉnh. Dòng sông uốn lượn từ hướng đông và đông bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng đông rồi ngược lên phía bắc, nhập với sông Cam Lộ (tức sông Hiếu, chảy qua thành phố Đông Hà) tại ngã ba Dã Độ rồi lại quay về hướng đông, đổ ra Cửa Việt. Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thuỷ rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Với hình thể uốn lượn uyển chuyển như thế lại có thêm nhiều phụ lưu thuộc các huyện Triệu Phong - Hải Lăng là hai vựa lúa của tỉnh Quảng Trị như Vĩnh Định, Vĩnh Phước, Điếu Ngao nên mật độ giao thông trên sông ngày càng lớn. Đặc biệt, là con hào thiên tạo phía bắc Thành cổ Quảng Trị (nay là thị xã Quảng Trị) con sông Thạch Hãn lại có vị trí chiến lược về quân sự. Lịch sử không thể nào quên được những ngày hè của năm 1972, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã bất chấp nguy hiểm, bí mật bất ngờ vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiến công vô cùng hiển hách. Đã có không biết bao nhiêu người trong số đó đã vĩnh viễn hoá thân cùng sông nước, cỏ cây...
Chiều bên dòng Thạch Hãn hôm ấy mưa nhỏ giăng giăng. Nơi tôi đứng là Điểm hành lễ - bến thả hoa cách Thành cổ Quảng Trị không bao xa, xuôi dòng về phía tay trái khoảng 500m là cầu Thạch Hãn, ngược về phía tay phải khoảng 300m là cầu Thạch Hãn mới đang xây dựng.
Sông Thạch Hãn đã trở thành dòng sông huyền thoại và linh thiêng. |
Điểm hành lễ - bến thả hoa được xây dựng mô phỏng kiến trúc ngôi đình Việt, trong đó gian chính có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và ban thờ các anh hùng liệt sĩ. Khó có con số thống kê chính xác có bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh khi vượt sông Thạch Hãn vào chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè năm 1972. Không chỉ hậu sinh mà ngay cả những cựu chiến binh, nhân dân thị xã Quảng Trị cũng chỉ biết rằng đã có rất, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thị xã Quảng Trị đã ngã xuống trong cuộc chiến ác liệt năm đó, thân thể họ đã hoà tan trong cỏ cây thành cổ, trong sóng nước Thạch Hãn.
18 giờ 30 phút. Tôi bị cắt mạch suy tư khi đến giờ “Đêm hoa đăng” tri ân các anh hùng liệt sĩ do cấp uỷ, chính quyền thị xã Quảng Trị chủ trì tổ chức tại Điểm hành lễ - bến thả hoa. Trong màn mưa giăng, đại diện cấp uỷ, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể thị xã Quảng Trị nghiêm trang dành phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ. Nhiều chị, nhiều mẹ trong số họ đã khóc khi nhà báo Trương Đức Minh Tứ, Tỉnh uỷ viên, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị đọc diễn văn ca ngợi sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ cha anh vì hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước và sự tri ân nguyện sống cho xứng đáng của thế hệ hôm nay và mai sau. Mọi người sau đó cùng thả đèn hoa xuống sông Thạch Hãn. Sóng nước sóng sánh đẩy những đèn hoa dập dềnh trôi ra rồi tụm lại, bùng cháy. Lại có cả những vòng hoa được thả xuống, có người quay ra sông bái vọng. Trong khói hương mờ ảo, tôi hình dung những đoàn quân đang vượt sông Thạch Hãn năm nào. Họ đều rất trẻ, mới trên dưới 20. Đã hơn 4 thập kỷ kể từ “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 nhưng nỗi đau từ những cuộc chiến ác liệt bên dòng Thạch Hãn thì dường như vẫn còn đó với câu thơ nổi tiếng của cựu chiến binh thành cổ Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Một đồng nghiệp Báo Quảng Trị tâm sự rằng, chính bởi có quá nhiều chiến sĩ hy sinh trên dòng sông này trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm ấy mà dòng sông hoá linh thiêng và huyền thoại. Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị là người ta nhớ đến Thạch Hãn.
NGƯỢC DÒNG ĐAKRÔNG
Sáng hôm sau, đích thân Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ dẫn đoàn công tác của Báo Quảng Ninh lên cửa khẩu Lao Bảo. Quốc lộ 9 nối thành phố Đông Hà với Lao Bảo và nước bạn Lào dài hơn 80km. Giống như sông Bến Hải và sông Thạch Hãn, quốc lộ 9 nổi tiếng bởi là nơi người Mỹ đã dựng hàng rào điện tử Mc Namara hòng ngăn chặn các đoàn quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam chi viện cho chiến trường miền Nam, nổi tiếng với Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (người Mỹ gọi là Chiến dịch Lam Sơn 719) năm 1971, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của quân đội Mỹ. Cả hai chiến lược và chiến dịch của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hoà đều thất bại, trong đó thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào góp phần quan trọng đến việc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Dọc quốc lộ 9 đi lên Lao Bảo không ít những địa danh bên đường gợi lữ khách nhớ đến những trận đánh oai hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam như Đầu Mầu, Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh. Tại Làng Vây còn đó chiếc xe tăng PT-76 của quân giải phóng - chứng tích lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam dùng tăng thiết giáp tham gia trận đánh và từ chiến thắng Làng Vây chính là bàn đạp để Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công Khe Sanh.
Từ Đông Hà lên Lao Bảo, quốc lộ 9 chạy song hành với sông Đakrông - con sông mang tên huyện cùng tên của Quảng Trị. Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo quốc lộ 9 xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Vì vậy, sông Đakrông còn được gọi là thượng lưu sông Thạch Hãn. Chợt nhớ buổi tối hôm trước lên đường, Kô Kăn Sương, nữ đồng nghiệp Báo Quảng Trị - người mang trong mình hai dòng máu Kinh - Pa Cô líu ríu khoe rằng đây là quê hương cô. Dọc hai bên bờ sông xanh ngát một màu những nương sắn, đồi keo. Thật khó hình dung Đakrông từng là một trong những chiến trường ác liệt của những năm kháng chiến chống Mỹ. Đoạn tại cầu treo Đakrông được xem là đoạn sông đẹp nhất của sông Đakrông. Tuy không rộng nhưng đoạn này sông uốn lượn quanh co, men theo chân những dãy núi cao dựng đứng hai bên. Có nơi nước sông phẳng lặng, lững lờ trôi, lại có nơi nước cuộn ào ào như thác, vượt qua những dãy đá nhấp nhô giữa sông.
Sông Đakrông - thượng nguồn của sông Thạch Hãn nhìn từ cầu Đakrông. |
Kô Kăn Sương bảo với tôi rằng, do phải chảy quanh co giữa núi rừng Trường Sơn, trải qua lắm thác ghềnh với vô số đá ngầm, đá dựng, dòng nước trở nên trong vắt. Với những nét đặc trưng đó, người dân Quảng Trị luôn coi sông Thạch Hãn là biểu tượng của đạo lý trong sạch và ý chí kiên cường. Chính sông Đakrông là niềm cảm hứng để nhạc sĩ Tô Hải sáng tác bài “Sông Đakrông mùa xuân về” cho dù lời ca, ý tác giả là ca ngợi cả đại ngàn Tây Nguyên. Tôi đứng trên cầu Đakrông ngắm nhìn đại ngàn Trường Sơn. Dưới kia, dòng Đakrông xanh thắm hoà cùng màu xanh của núi và mây trời. Sông êm đềm chảy xuôi, hoà cùng các dòng tạo nên sông Thạch Hãn linh thiêng trước khi đổ ra Cửa Việt.
Tác giả bài viết: Đại Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn