Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và nghề thầy giáo được tôn vinh là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Người cũng đã dạy“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thực hiện lời dạy của Bác, Giáo dục luôn được Đảng ta coi là quốc sách hàng đầu và đội ngũ các thầy cô giáo, nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của giáo dục luôn được xã hội quan tâm.
Mỗi dịp 20/11, chúng ta - các thầy cô giáo và những người làm công tác giáo dục đều cảm thấy vinh dự và tự hào hơn với truyền thống của ngành. Càng vinh dự và tự hào, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho để làm sao mỗi thầy cô giáo đều cố gắng rèn luyện để trở thành Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo.
Không phải bây giờ mà từ xưa, ông cha ta quan niệm: Giáo dục là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phụng sự cho đất nước; “Nhân tài là nguyên khí quốc gia!” (Thân Nhân Trung). Bao giờ cũng vậy, giáo dục của mọi quốc gia đều chịu sự chi phối, quy định bởi tư tưởng và chế độ xã hội cụ thể. Giáo dục Việt Nam không ngoài quy luật ấy. Mỗi thời kỳ lịch sử, nền giáo dục nước nhà có những đặc trưng riêng và ứng với mỗi gia đoạn đó, địa vị xã hội của người thầy cũng có những khác biệt rất rõ.
Ông bà ta từng nói “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ngược dòng lịch sử của dân tộc, những nhà giáo mà ngoài kiến thức uyên thâm, họ là những bậc có tấm lòng thanh bạch, đức độ hơn người như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến… Người thầy đồ cao quý ấy luôn được xã hội gửi trọn niềm tin và là hình mẫu để các bậc chính nhân, quân tử rèn luyện, noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng làm nghề dạy học.
Nền giáo dục nươc ta đã bước sang giai đoạn mới, thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong cuộc cách mạng 4.0, nội dung và phương pháp giáo dục đã có nhiều thay đổi. Nhiều người cho rằng, vai trò, địa vị của người thầy hiện nay chịu sự chi phối bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Điều này không sai! Người thầy, thời nào cũng vậy, họ cũng là một thực thể của xã hội như bao thực thể khác, nên họ phải chịu sự tác động của mọi biến động xã hội đương thời. Nhưng, chỉ có người thầy chân chính, đủ bản lĩnh mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường. Một khi đã chọn nghiệp giáo, gắn bó đời mình với phấn trắng, bảng đen thì mọi bon chen, tranh đoạt phải bỏ lại phía sau, có như vậy, người thầy mới được xã hội trọng vọng, các thế hệ học trò tôn kính. Vì nếu chọn làm giàu thì không ai chọn nghề giáo, nghề được gọi là « kĩ sư tâm hồn ».
Trong xã hội ngày nay, chừng nào đạo thầy-trò được tôn trọng, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò thì giáo dục nói chung, xã hội nói riêng mới ổn định và phát triển bình thường. Xã hội càng phát triển thì học tập vừa là nhu cầu vừa là thước đo giá trị của từng cá nhân. Học tập không đơn thuần là việc cá nhân chiếm lĩnh tri thức, lấy bằng cấp, mà hơn thế nữa, học tập là quá trình hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Theo UNESCO “Học là để cùng chung sống” trong xã hội hiện đại. Người ta có thể tiếp thu kiến thức bất kỳ ở đâu, nhưng để chung sống trong cộng đồng xã hội thì đòi hỏi mỗi người phải không ngừng hoàn thiện bản thân với 04 trụ cột “Đức - Trí - Thể - Mĩ”. Nếu không phải trường học thì không ở đâu có thể làm được điều đó mà đại diện ưu tú của trường học là những thầy cô giáo chân chính đang ngày đêm chăm lo cho từng bài giảng để truyền cảm hứng học tập cho học sinh.
Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều trường vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều người vẫn còn vật lộn với cuộc mưu sinh. Nhưng đứng trước xã hội, nhất là trước các thế hệ học trò, họ tự ý thức mình luôn luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” nên cho dù cho xã hội có thể biến động, quan niệm giáo dục có thể đổi thay, nhưng vai trò của thầy cô giáo, về đạo thầy- trò, địa vị của người thầy theo truyền thống Việt Nam vẫn mãi được gìn giữ và phát huy.
Có thể ở đâu đó vẫn còn những ngườ thầy giáo, cô giáo có những suy nghĩ, hành động làm mất đi hình hành tốt đẹp của người thầy, nhưng xét trên bình diện chung, thì hàng ngày, hàng giờ đội ngũ các thầy cô giáo đang miệt mài gieo những con chữ, tạo niềm tin về ngày mai tươi sáng cho bao thế hệ học trò con đang ngồi trên ghế nhà trường và « thầy cô đã thay đổi » « cất cánh » thay đổi hoàn toàn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hiệu quả. Dù cuộc sống của nhiều thầy giáo, cô giáo còn đó những bộn bề khó khăn, dù trường lớp ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn nhưng hình ảnh “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm khuya” vẫn rất đẹp và giàu xúc cảm.
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện CTGDPT 2018, để nhân dân tin tưởng và dành tình cảm kính trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, đòi hỏi mỗi thầy cô giáo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì mục tiêu đổi mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả; phấn đấu xây dựng không gian trong trường học đều có ý nghĩa giáo dục học sinh; Mỗi trường học là một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng, tạo ra một “Thương hiệu riêng” để đội ngũ các thầy cô giáo tự hào, tin tưởng, phấn khởi cống hiến cho hoạt động dạy học. Các em học sinh cảm thấy hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và “đi học là hạnh phúc” để góp phần thành công của chương trình GDPT 2018.
Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng GDTH Sở GDĐT Tỉnh Lâm Đồng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn