Là một trong 7 đơn vị được Huyện uỷ Bình Liêu lựa chọn làm điểm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017, ngành Giáo dục huyện đã có những giải pháp cụ thể, sáng tạo, tạo sự lan toả tích cực trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của ngành nói riêng và nhiệm vụ chính trị của địa phương nói chung.
Học sinh Trường Tiểu học Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu tham gia dọn vệ sinh, giữ trường, lớp xanh - sạch - đẹp. |
Bà Đào Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, ngành đã quán triệt, chỉ đạo các nhà trường đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thầy, cô giáo và học sinh, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Ngành chủ trương lựa chọn một số phần việc học và làm theo Bác cụ thể gắn với nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với từng cấp học, chủ đề công tác năm của tỉnh, huyện để tập trung thực hiện. Đơn cử, các trường tiểu học, THCS chủ động phối hợp với các thôn, bản để tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở vệ sinh, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; lựa chọn và xây dựng các điểm trường, khối học, lớp học điểm về môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp, thân thiện; cấp học mầm non chú trọng tuyên truyền qua hình thức sân khấu hoá...
Theo lời giới thiệu của Phòng GD&ĐT huyện, chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, tại đây các em học sinh đang hăng say dọn vệ sinh trường, chăm sóc cây xanh... Thầy Chu Văn Hoà, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, ngay từ đầu năm 2017 nhà trường đã chủ động phát động thi đua xây dựng trường, lớp xanh - sạch - đẹp tại 9 điểm trường với các nội dung: Học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, đồ dùng học tập; cách trang trí lớp học, trường học... Định kỳ, nhà trường tổ chức đánh giá, kiểm tra việc thực hiện và lấy kết quả là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua. Tại điểm trường chính, vào các buổi chiều, các lớp phân công nhau làm vệ sinh trường... Hoạt động đi vào nền nếp đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các em học sinh cũng như chủ động tuyên truyền cho gia đình trong nâng cao ý thức vệ sinh, xây dựng nếp sống văn minh.
Đầu tháng 5 vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức Hội thi văn nghệ - kể chuyện với chủ đề “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” trong ngành học mầm non. Thông qua hình thức hát, múa, đọc thơ và kể chuyện có nội dung ca ngợi về Bác Hồ, hội thi đã thu hút gần 500 cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong huyện tham gia. Đây không chỉ là hoạt động ngoại khoá bổ ích, ý nghĩa cho giáo viên, học sinh mà còn thúc đẩy phong trào học và làm theo Bác đi vào chiều sâu.
Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác luôn được toàn ngành gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”. Ngành đã tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục; chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo; triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh... Cùng với đó, chú trọng nâng cao các phong trào thi đua, cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”... Năm học 2016-2017, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến; công tác giáo dục phổ cập các bậc học được giữ vững; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng. Công tác xoá mù chữ được ngành Giáo dục chú trọng, thường xuyên rà soát, mở các lớp học xoá mù cho nhân dân trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ người biết chữ từ 15 đến 60 tuổi đạt 94,55%.
Tác giả bài viết: Nguyễn Dung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn