Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai (TP Cẩm Phả) từ lâu đã là một địa chỉ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đến nay, nơi đây đã và đang là điểm tham quan hấp dẫn, một điểm đến trong hành trình về nguồn ý nghĩa...
Ngay từ những ngày đầu thành lập, mỏ than Đèo Nai đã có vị trí đặc biệt và luôn là đơn vị sản xuất than lớn của ngành Than. Đây cũng là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, nơi nổ ra cuộc bãi công của hàng vạn thợ mỏ năm 1936. Chính bởi vị thế đặc biệt ấy mà Đèo Nai là đơn vị duy nhất của ngành Than được đón Bác Hồ về thăm. Sự kiện Bác Hồ về thăm Đèo Nai diễn ra vào thời kỳ đỉnh cao giai đoạn khôi phục sản xuất, tiến hành cải tạo XHCN của công trường Đèo Nai.
Theo lời kể của một số nhân chứng có mặt trong sự kiện ngày 30-3-1959, sở dĩ tầng than của mỏ Đèo Nai được chọn vì nơi đây có vị thế đẹp, rất cao có thể nhìn bao quát được cả vùng than Cẩm Phả và Vịnh Bái Tử Long. Bác Hồ đã lên tận tầng 10 công trường khai thác cơ khí mỏ Đèo Nai. Người dặn dò: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng. Để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Bác Hồ cũng đến thăm nhà ăn tập thể ở gần công trường khai thác và ân cần hỏi han chị em phục vụ, xem từng suất ăn của thợ mỏ. Người dặn dò: “Muốn làm được nhiều than thì phải có tinh thần trách nhiệm và phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ... Cán bộ, công nhân phải học tập tốt vấn đề cải tiến quản lý xí nghiệp. Muốn cải thiện đời sống phải đào nhiều than, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết giữa công nhân và cán bộ, giữa công nhân với công nhân”.
Các nhân chứng, thợ mỏ và cán bộ ngành văn hóa Quảng Ninh thăm lại địa điểm Bác Hồ nói chuyện với công nhân mỏ Đèo Nai. |
Di tích địa điểm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai năm 1959 hiện nay được xác định chính là khu vực khai trường khai thác than Công ty CP Than Đèo Nai, vốn có tên là Núi Trọc, nằm trên con đường nối liền với Dương Huy, Ba Chẽ. Khu vực trước đây Bác lên thăm là tầng 10 nay là Trụ Bắc còn chỗ Bác đứng nói chuyện với công nhân trước kia gần nhà ăn số 2 của mỏ (còn gọi là nhà ăn trụ mỏ). Về cao độ, địa hình đã có sự thay đổi xê dịch đôi chút so với thời kỳ Bác về thăm mỏ Đèo Nai.
Về giá trị lịch sử, Di tích Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai là minh chứng lịch sử ghi dấu những năm tháng hào hùng của cán bộ, công nhân ngành Than với truyền thống kiên cường bất khuất, tinh thần lao động sáng tạo đã giành được những thành tích nổi bật trong thời kỳ khôi phục sản xuất. Về giá trị văn hoá, lời dạy của Bác ở mỏ Đèo Nai đã được các thế hệ thợ mỏ thấm nhuần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Di tích là nơi nêu cao tinh thần trách nhiệm, vững tin vượt qua gian khó, học và làm theo Bác, xứng đáng với niềm tin yêu của Người đã dành cho.
Với những giá trị nổi bật đó, cuối tháng 10-2016, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3742/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959.
Tác giả bài viết: Huỳnh Đăng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn