Ở Quảng Ninh, người làm thơ về Bác Hồ nhiều nhất có lẽ là nhà thơ Lê Duy Thái, nguyên Phó Giám đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, hiện cư trú ở TX Quảng Yên. Năm nay 76 tuổi, sức khoẻ cũng không còn tốt nữa, nhưng ông Thái vẫn miệt mài sáng tác thơ về Bác Hồ.
Nhà thơ Lê Duy Thái đọc lại một tập thơ viết về Bác Hồ của mình. |
Vốn có năng khiếu văn chương, ông Lê Duy Thái làm thơ từ rất sớm. Hơn 9 năm ở chiến trường những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thái làm cán bộ chính trị phụ trách “Bản tin trung đoàn” đã làm thơ về Bác. Thơ ông Thái viết trong giai đoạn này có âm hưởng hào sảng kiểu sử thi. “Bác nâng niu hòn than” là một trong những bài thơ đầu tiên ông viết về Bác Hồ: “Người ấp viên gạch hồng/ Chống cái rét châu Âu/ Giữa Pari viết những trang rực lửa/ Bản án chế độ thực dân/ Thức tỉnh nhân dân nô lệ/ Gọi hồn đất nước quê hương/ Người nâng niu hòn than/ Rưng rưng nhìn người thợ/ Phố Hòn Gai bom đạn cháy tơi bời/ Muôn đảo đá tạc lời/ Hạ Long lặng sóng/ Yên Tử mây dừng lắng nghe/ “Làm than như đánh giặc”/ Vì miền Nam ruột thịt...”.
Từ chiến trường trở về, ông Lê Duy Thái giảng dạy và làm quản lý ở Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Công việc đó đòi hỏi ông phải thường xuyên nghiên cứu tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tập “Quảng Ninh thương nhớ Bác Hồ” có bài ông viết: “Nước đã mất nhà cũng tan/ Nhân dân nô lệ, vua quan tôi đòi/ Bác đi khắp bốn phương trời/ Tìm đường dìu dắt giống nòi vùng lên”. Cái tài của Lê Duy Thái là ông biết bình dị hoá những thứ cao siêu. Nhà thơ Nguyễn Châu, Trưởng Ban Thơ (Hội VHNT Quảng Ninh), nhận định: “Nhà thơ Lê Duy Thái đã lấy những chiến công của quê hương mà ca ngợi tư tưởng lớn của Người”. Lê Duy Thái đã rất khéo trong việc khơi gợi những liên tưởng thú vị về những lần Bác đến thăm Quảng Ninh qua các bài thơ: “Bác thăm Đèo Nai”, “Chuyện ở Minh Thành”, “Hoa sen trên đảo Ngọc Vừng”, “Bác thăm Trà Cổ”, “Bác thức trên đảo Tuần Châu”, “Bác ngắm Hạ Long”, “Tượng Bác trên đảo Cô Tô” v.v..
Có những liên tưởng thú vị làm tôn thêm vẻ đẹp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mai vàng Yên Tử tóc bạc Bác Hồ”, “Từ đầu nguồn đất nước Bác nhớ cửa Bạch Đằng”, “Tỉnh mơ Bác thức ngâm Kiều”, “Những đoá mai trên bến Nhà Rồng” v.v.. Đó là liên tưởng ngọn lửa than Bác trao làm hồng lên muôn nhà như trong bài “Bác thăm Đèo Nai”: “Tầng than nào Bác đã qua/ Rưng rưng ngọn cỏ khóm hoa bên đường/ Vỉa than náo nức toả hương/ Bác cầm tay thợ yêu thương giao hoà/ Ta trong Bác, Bác trong ta/ Lửa than truyền đến muôn nhà hồng lên...”.
Không chỉ lấy những chiến công của quê hương ca ngợi Bác, Lê Duy Thái còn thấy được tư tưởng Bác thấm nhuần trong mọi hành động, dùng tư tưởng đó để làm kim chỉ nam, là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho những người làm thơ như ông: “Mặt trời lên kia Bác Hồ còn/ Rực rỡ soi đường mở lối sương/ Con lại hành quân vào trận mới/ Ngàn năm di chúc sáng soi đường”. Ông từng tâm sự: “Tôi làm thơ vì kính yêu Bác, vì học ở Bác nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Điều đó thể hiện qua các bài thơ như: “Đọc những điều Bác viết trong di chúc”, “Mỗi khi nghĩ đến Bác”, “Bông hồng của Bác”, “Bác dạy”, “Theo tay Bác chỉ”, “Bác là văn hoá của tương lai”, “Lời Bác muôn ý dân” v.v..
Mỗi một câu chuyện, một chi tiết về Bác Hồ cũng gây xúc động và thành niềm cảm hứng để Lê Duy Thái sáng tác thơ về Bác. Đó là chuyện hành quân đường dài đêm được nghe thơ Bác, chuyện Bác mất làm cả đơn vị hay tin đều bỏ bữa không ăn. Điều đó được thể hiện qua các bài thơ như: “Báo Người cùng khổ”, “Hương sen”, “Đường Bác chọn”, “Bác giữa nhân dân”, “Nhà Bác”, “Bác nói”, “Bác tự phê bình”, “Bác với Phạm Quỳnh”, “Bác về Côn Sơn” v.v.. Trong những tình cảm lớn đó, có tình cảm mà Người đã dành cho công nhân mỏ như trong bài “Bác với ngành Than”: “Vùng than ở trong tim Bác/ Nồng nàn hai tiếng công nhân/ Tình thương dành cho tất cả/ Nặng sâu ân nghĩa nhân dân/ Thương nhất những người cùng khổ/ Những người lam lũ hy sinh”.
Lê Duy Thái gom những bài thơ ông đã làm để xuất bản 2 tập thơ viết về Bác Hồ là “Hương sen” (NXB Hải Phòng, 2009) và “Quảng Ninh thương nhớ Bác Hồ” (NXB Hải Phòng, 2010). Những gì ông gửi gắm vào 2 tập thơ này mới chỉ là một phần rất nhỏ sự cảm nhận, học tập tư tưởng đạo đức và phong cách của Bác Hồ mà ông đã lĩnh hội được. Ngoài ra ông còn có nhiều bài thơ viết về Bác rải rác trong các tập khác và in trên các báo, tạp chí. Ông đã có 2 tác phẩm đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT và báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Tỉnh uỷ Quảng Ninh là trường ca “Giương cao mãi ngọn cờ hồng Bác trao” đoạt giải C năm 2009 và tập thơ “Hương sen” đoạt giải B năm 2010.
Tác giả bài viết: Huỳnh Đăng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn